
Sơn xịt là loại sơn phổ biến nhất mà các nghệ sĩ graffiti sử dụng, bởi vì nó dễ mang theo, linh hoạt và rất dễ tìm mua. Từ khi graffiti hiện đại bắt đầu hình thành vào những năm 1960, sơn xịt đã trở thành chất liệu chủ đạo cho các tác phẩm graffiti.
Tuy nhiên, nó không phải là lựa chọn duy nhất. Các nghệ sĩ còn hay dùng bút sơn (paint marker) để viết tag hoặc vẽ những chi tiết nhỏ trên tranh tường, và sơn lăn (emulsion paint) cho những bức graffiti lớn bằng hoặc để chuẩn bị bề mặt tường.
Vì vậy, ở bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu thêm về các loại sơn khác nhau mà nghệ sĩ graffiti sử dụng, cũng như hiệu ứng mà chúng mang lại.
1. Sơn xịt (Spray Paint)
Sơn xịt là chất liệu phổ biến nhất được sử dụng trong hầu hết các phong cách graffiti.
Lý do chính khiến nó được ưa chuộng là sơn xịt mang lại sự tự do và khả năng kiểm soát cao khi vẽ, hơn hẳn so với các phương pháp truyền thống. Với sơn xịt, gần như bất kỳ ý tưởng nào bạn tưởng tượng ra đều có thể trở thành hiện thực, từ những chi tiết nhỏ, tinh tế cho đến những mảng màu lớn, táo bạo.
Ngoài ra, sơn xịt còn có thể tô màu lên bề mặt nhanh hơn nhiều so với việc dùng cọ, điều này khiến nó càng được ưa chuộng hơn. Thêm nữa, lớp sơn mỏng nên cũng khô rất nhanh, nhanh hơn nhiều so với cọ hay con lăn.
Từ khi ra đời vào năm 1949, sơn xịt đã thay đổi rất nhiều. Ngày nay, các nghệ sĩ có vô vàn lựa chọn từ các loại sơn chuyên dụng cho nghệ thuật graffiti, cùng với các loại nắp xịt (graffiti caps) được thiết kế riêng để tạo ra nhiều hiệu ứng khác nhau.
Tuy nhiên, sơn xịt vẫn là hóa chất độc hại vì khí thải từ bình xịt. Thế nên, các bạn nên đeo khẩu trang chuyên dụng (respirator mask) khi vẽ để bảo vệ sức khỏe nhé.
Mỗi thương hiệu sơn xịt đều có công thức riêng, nhưng một trong những điểm khác biệt lớn nhất mà bạn sẽ nhận ra chính là độ nén khí trong lon. Dưới đây là phần tổng quan nhanh về các loại áp lực khí khác nhau.
2. Sơn xịt áp lực thấp (Low Pressure Spray Paint)
Sơn xịt áp lực thấp được nhận biết qua lượng sơn phun ra ít hơn mỗi lần xịt, vì bên trong lon được nén khí ít hơn so với loại thông thường.
Đây là lựa chọn ưa thích của nhiều nghệ sĩ graffiti khi vẽ các chi tiết tỉ mỉ, vì áp lực thấp giúp kiểm soát lon sơn tốt hơn, dễ tạo ra những đường nét mảnh và hạn chế chảy sơn.
Những bạn mới bắt đầu tập vẽ graffiti cũng thường chọn sơn áp lực thấp vì nó dễ điều khiển hơn, ít bị “lố tay” khi mới làm quen với kỹ thuật cầm và phun.
3. Sơn xịt áp lực cao (High Pressure Spray Paint)
Sơn xịt áp lực cao có nghĩa là lượng sơn phun ra nhiều hơn mỗi lần xịt, do lon sơn được nén khí ở mức cao hơn
Sơn áp lực cao là lựa chọn ưa thích của các graffiti artist muốn hoàn thành tác phẩm nhanh chóng. Nó cũng rất phù hợp với những ai đang vẽ các mảng lớn, vì giúp tô kín diện tích rộng trong thời gian ngắn hơn.
Tuy nhiên, nhược điểm lớn nhất của sơn áp lực cao là khó kiểm soát hơn, vì sơn ra nhanh, nên dễ bị chảy. Dù vậy, với những artist có kinh nghiệm, chuyện kiểm soát sơn chảy gần như không thành vấn đề.
Thực tế, các graffiti artist kỳ cựu thường có khả năng linh hoạt chuyển đổi giữa sơn áp lực thấp và cao, ngay cả khi đang xử lý các chi tiết nhỏ, vì họ đã quen tay và có khả năng điều khiển lon sơn cực kỳ chính xác.
4. Bút sơn (Paint Markers)
Dù không nổi bật như sơn xịt, bút sơn vẫn là một chất liệu được nhiều nghệ sĩ graffiti ưa chuộng.
Vào những ngày đầu khi vật tư còn khan hiếm, các writer thường tự chế tạo bút sơn cho mình. Họ tận dụng thân của bút bi, cây chấm bingo hoặc lọ đánh giày, sau đó đổ vào bên trong một loại sơn tự pha tại nhà.
Hiện nay, nhiều graffiti writer vẫn giữ nguyên tinh thần DIY, tự pha sơn và mực riêng để viết tag hay vẽ. Tuy nhiên, trên thị trường cũng đã có rất nhiều loại bút sơn chuyên dụng được sản xuất dành riêng cho graffiti.
Bút sơn thường được chia làm hai loại chính:
- Bút dạng bơm (pump marker): Cho nét đều, rõ, dễ kiểm soát.
- Bút dạng “mop”: đầu mềm, nét to và tạo ra hiệu ứng sơn chảy đặc trưng mà dân street art thường rất mê.
5. Bút sơn dạng bơm (Pump Markers)
Bút sơn dạng bơm đặc trưng bởi hệ thống van bơm, khi nhấn đầu bút lên một bề mặt, sơn sẽ được đẩy ra và chảy xuống đầu bút, khác so với các loại bút marker kiểu truyền thống.
Sơn trong các bút này đặc hơn nhiều so với mực. Do đó, sơn không thể tự động chảy xuống đầu bút mà phải cần đến sự hỗ trợ của van bơm để đẩy sơn ra ngoài.
6. Bút sơn dạng "mop" (Mop-style Markers)
Bút sơn dạng mop hay dripper có lịch sử bắt đầu khá giống với các loại bút graffiti khác.
Vào những ngày đầu, các graffiti writer tự chế bút mop từ cây chấm bingo và lọ đánh giày. Các nghệ sĩ đã "hack" chúng bằng cách thêm công thức sơn tự pha, và thay đổi đầu bút để làm chúng lớn hơn, phù hợp với phong cách vẽ của mình.
Bút sơn dạng mop giúp các nghệ sĩ graffiti tạo ra những tag lớn, đậm và táo bạo, đồng thời có thể tạo ra hiệu ứng sơn chảy đặc trưng. Để có được hiệu ứng chảy sơn này, thân bút cần phải mềm để có thể ép và cho phép sơn thừa chảy ra ngoài.
7. Sơn lăn (Emulsion Paint)
Sơn lăn là loại sơn phổ biến nhất mà chúng ta hay thấy trong các xô sơn, dùng để sơn các bức tường hay trần nhà.
Dù khác biệt hoàn toàn so với sơn xịt, nhưng thực ra các nghệ sĩ graffiti sử dụng sơn lăn thường xuyên hơn bạn nghĩ.
Sơn lăn thường dùng để chuẩn bị nền tường trước khi dùng sơn xịt. Sơn xịt sẽ có màu sắc rực rỡ hơn khi được phun lên lớp sơn lăn dưới nền, so với việc phun trực tiếp lên tường gạch thô, nơi có thể hút màu và làm giảm độ sáng.
Các nghệ sĩ graffiti cũng sử dụng con lăn dài để sơn những tác phẩm ở những vị trí cao hoặc khó tiếp cận.
Nguồn: graffstorm
Đăng kí E-mail để cập nhật và không bỏ lỡ các thông tin mới nhất từ chúng tôi.